"Đám trẻ ở đại dương đen" - Châu Sa Đáy Mắt
“Có vài đứa tìm được một chỗ trú hoặc một tán ô cho riêng mình. Có những đứa không chờ nổi ngày nắng lên nữa mà chọn một cách cực đoan để trốn đi. Lại có vài đứa thích nghi giỏi đến mức không còn muốn chạy đi tìm miền nắng nữa…” – Châu Sa Đáy Mắt
Trong Đám Trẻ Ở Đại Dương Đen, lần theo từng dòng nước mà tác giả Châu Sa Đáy Mắt vạch ra, ta tìm thấy những đứa trẻ cuộn mình trong dòng nước đen láy ấy, có vài đứa sẽ cố vùng vẫy, cũng có vài đứa chán nản bỏ mặc sự đời,… dẫu cảm xúc làm tê liệt người ta với hàng tá thất vọng, dẫu tồi tệ đến nhường nào thì những đứa trẻ mà tác giả viết nên, đều có gì đó đau đớn không ai thấu cảm ở quá khứ, không thể nói ra thì chỉ có thể mượn bút thay lời. Tác giả cũng nhắc nhẹ về một lời cảnh báo rằng, đại dương đen này là của chính tác giả, và dành cho những ai muốn tìm thấy đứa trẻ giống như mình, còn nếu chúng ta đã không thuộc về thì xin đừng nặng lời trách móc…
Mọi Thứ Bắt Đầu Tệ Từ Khi Nào?
Vẫn là những dòng tâm sự sau đêm đã tan, là dòng thơ buồn nhưng đẹp khi tâm tư rối bời cùng thói quen hay nghĩ ngợi, lo âu để rồi không đêm nào được yên giấc, lại vô tình cuốn độc giả xoáy vào bên trong lòng đại dương kia. Độc giả vẫn nên có sự chuẩn bị cho hành trình lặn biển này và dần làm quen với những nghĩ suy từ vài đứa trẻ không trọn vẹn ngày bé, hay như tác giả dẫu đủ đầy vẫn thấy thiếu đi chính mình, nên đời cứ chậm trôi và ta vẫn buồn như thế:
“Nỗi buồn không rõ hình thù
Ta cho nó dáng, ta thu vào lòng
Ta ôm mà chẳng đề phòng
Một ngày nó lớn chồng chất tâm can”
Không gian phần 1 của sách, tác giả mang những áng thơ tự do pha lẫn nỗi niềm tâm tư của riêng mình, thay lời nhiều đứa trẻ đang bị cuốn vào dòng nước sâu,… để mở đầu cho nỗi buồn không có tên, một nỗi buồn không ai cần nhưng vẫn luôn quanh quẩn ẩn hiện bên cạnh. Sách viết cho người nhiều ưu tư vậy nên nếu vô tình độc giả tìm thấy điều gì đó giống bản thân như không thể chia sẻ, sợ phải phiền một ai khác, sợ nói ra lại chẳng thể thay đổi, không bộc bạch không than phiền, ôm lấy nỗi buồn cùng nhau mỗi ngày, thì hiển nhiên không phải quá bất ngờ:
“Trằn trọc đến hai giờ sáng
Thấy em cũng ngủ không yên
ba giờ nữa đến chạng vạng
khi nào mới hết muộn phiền” – Đám Trẻ Ở Đại Dương Đen
Có những ngày không mấy đẹp trời, người thì chán, cảnh thì buồn, đôi lúc tác giả cũng tự hỏi mình như bao đứa trẻ khác rằng: “Mọi thứ bắt đầu tệ đi từ khi nào ấy nhỉ?”. Có nhiều người trẻ, họ sớm nhận biết cơn mưa nặng hạt đang ồ ạt kéo đến liền bung dù, tìm chỗ tránh, nhưng cũng có những người giống mình chỉ biết cố chạy mà không kịp chuẩn bị, hoặc với tác giả cách duy nhất để lớn lên từ một miền đầy giông bão là: “Bầu trời của mình đã chậm rãi chuyển xám. Nhưng mình đã mải miết chối bỏ điều đó, bởi lẽ mình sợ, sợ phải thừa nhận rằng mưa đang đến”.
Độc giả sẽ dễ dàng thoải mái với bản thân mình hơn, nhẹ lòng hơn khi tác giả có đề cập việc ta phải đau đớn đến mức nào mới được kêu ca? Rằng sau khi bộc bạch thì liệu có chiếc phao nào được thả xuống hay không?. Hy vọng chúng ta có thể đau thì nói mình đau, không phải cân nhắc đong đếm nó lớn hay nhỏ, bỏ hẳn cái suy nghĩ đã khổ sở bằng ai mà được kêu, thả lỏng việc thổ lộ, kể lể, than vãn chuyện trời chuyện đất với một người chân thành, vì khi ấy chiếc phao mới thực sự được thả xuống: “Mãi sau cùng, năm hay bảy mét nước, đối với người không biết bơi cũng là nguy hiểm. Giống như bất cứ nỗi đau nào quá sức chịu đựng cũng có thể lấy mạng người”.
Nhận xét
Đăng nhận xét